Một lần trò chuyện với anh bạn đang suy nghĩ ngày đêm, loay hoay tìm phương kế sinh nhai mới, tôi nói sao không quay về với sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ thuần túy như nhiều vùng đang làm hiện nay ? Anh hỏi- bằng cách nào ? Tôi đã kết nối anh với các chuyên gia hỗ trợ anh làm nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ. Một trong những vị ấy, nhiều người yêu mến gọi là Thầy, đã tiên phong, đi khắp đồng đất của đất nước để giúp cho nhiều nông dân các địa phương làm lúa, chè, khoai, cà phê sạch, không dùng thuốc và phân hóa học, nhưng chất lượng và năng suất vượt trội so với giống nguyên chủng.
Ở Điện Dương, Quảng Nam, người nông dân thử nghiệm trồng cây khoai có chứa saponine (có trong sâm) từ hồi tháng 7.2023. Các chuyên gia Côn Sơn khuyến khích sử dụng ngay giống khoai bản địa và quay về với tập quán canh tác tự nhiên, không dùng bất kỳ loại hóa chất nào cho đồng ruộng. Khoai phát triển đến 2 tháng, kiểu hình không khác gì củ sâm thường thấy. Chúng tôi gởi mẫu đi kiểm nghiệm ở Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), và thật vui mừng khi trong khoai có hàm lượng saponin (sâm) tổng là 0,83%. Cùng thời điểm, một người ở Hòa Bắc- Đà Nẵng trồng khoai theo phương thức này, sau 4 tháng xét nghiệm, khoai có hàm lượng saponin là 1,34%. Bốn tháng sau, mẫu khoai ở Điện Dương kiểm nghiệm lần 2, hàm lượng saponin tăng lên 1,03%. Nghĩa là càng để lâu thì hàm lượng saponin càng tăng cao. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Vụ khoai này, chúng tôi khai thác được gần 300 kg, tặng hết cho hộ nông trồng để họ bán kiếm thêm thu nhập. Họ thu được hơn 8 triệu trên đám khoai 400m2, kể cả tiền chúng tôi đầu tư. Dây khoai cũng biếu tặng hết cho người cần nhân giống. Sau đó, chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình này đến một hộ nông dân khác ở phường Cẩm Châu, thành phố Hội An và đang chờ kết quả kiểm nghiệm tiếp theo. Vị chuyên gia mà nhiều nông dân gọi là Thầy bảo: “Chỉ cần lấy kết quả để chứng minh chất lượng công việc mình làm. Tôi chẳng sáng tạo gì cả, nguyên thủy trong khoai đã có sâm, nhưng vì con người làm sai nên nó thoái hóa biến chất và mất đi. Giờ tôi chỉ tạo cho nó một khung năng lượng mới và cho cả vùng đất canh tác, làm hồi sinh hết lại những gì đã được thiết kế.”.
Tôi nhớ, người Thầy ở Côn Sơn từng dự báo, thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng thiếu lương thực, và điều tồi tệ ấy đang diễn ra. Chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ- nước xuất khẩu gạo đến 100 quốc gia trên thế giới - ra lệnh cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo hộ lương thực trong nước thì hàng loạt video xuất hiện trên báo chí cho thấy người dân hoảng loạn mua tích trữ gạo và các kệ hàng trong các cửa hàng bán gạo ở nhiều nước trống rỗng. Tiếp đó một số nước khác cũng cấm xuất khẩu gạo để bình ổn thị trường trong nước. Một nước từng xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới cũng gặp tình trạng sụt giảm sản lượng do hạn hán. Chính phủ nước họ đã khuyến khích người nông dân giảm diện tích trồng lúa và chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cần ít nước hơn.
*
Đất nước nhiều năm qua mưa thuận gió hòa, vượt lên tất cả hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu thế giới với trung bình 6 - 7 triệu tấn/năm. Tuy vậy hiểm họa nước biển dâng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, vốn là “vựa lúa” của cả nước cũng đang được cảnh báo. Trong tương lai, không chỉ dân số tăng, tài nguyên cạn kiệt mà thêm vào đó thời tiết cực đoan, tàn phá thiên nhiên, mất đa dạng sinh học, dịch bệnh, xung đột địa chính trị cùng các cú sốc kinh tế đều là những yếu tố dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực hiện nay. Đến thời điểm bây giờ, trong lịch sử, người ta đã nói rất nhiều, nhưng hành động để thay đổi thì không nhiều. Với những phát minh muốn chinh phục thế giới thay đổi càn khôn, con người hiếm khi nghĩ đến việc quay về với đời sống tối giản, hoà thuận với thiên nhiên cây cỏ, với từng cây lương thực, nó mới nuôi sống mình chứ ko phải những phát minh vĩ đại. Và cả chăm sóc bầu khí quyển. Nếu không có lương thực, thì những phát minh vĩ đại cũng chẳng để làm gì. "Có thực mới vực được đạo" ngày càng khẳng định tính chân lý muôn đời…
Comments