Tạo ra một giống lúa mới mà không phải qua chọn lọc và lai tạo giống, chỉ bằng phương pháp gia cố năng lượng trên xác giống lúa cũ đã thất truyền. Đó là điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Đặc biệt, giống lúa mới này lại cho năng suất cao, đạt đến 3tạ khô/ sào (Bắc bộ) – vượt qua các loại lúa cao sản địa phương đang trồng đại trà (2,5 tạ/sào). Và đặc biệt hơn nữa là cây lúa có kiểu hình mới lạ, không sâu bệnh, chịu được hạn, mặn, chịu được thời tiết khắc nghiệt, được gieo trồng phát triển tự nhiên, hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Đó là những gì được một nhóm các nông dân, kỹ thuật viên Côn Sơn-Hải Dương, và Khánh Trung – Ninh Bình thử nghiệm và phát triển thành công trong gần 3 năm qua trên nhiều đồng đất Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội.
Bắt đầu từ vụ Xuân Hè năm 2021, nhóm chuyên gia đi tìm thuê đất của bà con nông dân ở vùng chiêm trũng thuộc xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình để trồng khảo nghiệm 10 ha. Gọi là thuê nhưng người nông dân hưởng lợi kép trở lên. Họ được bảo hiểm hoàn toàn nếu mất mùa. Ví như một sào ruộng trước đây mỗi năm trừ chi phí, bà con thu được 2tr/sào thì giờ họ nhận đủ trước số tiền bảo hiểm 2tr/sào, không phải lo lắng gì nữa cả.
Còn mùa màng bội thu thì số lúa từ đám ruộng ấy thuộc về họ luôn. Nghĩa là người nông dân vừa được tiền, vừa được lúa, họ chỉ mất công chăm sóc cào cỏ, xục bùn trên đám ruộng của mình như vẫn thường. Sự coi sóc lần này cũng khác hẳn, bà con tuân thủ không dùng bất kỳ loại hóa chất nào vào đồng ruộng kể cả phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ được dùng phân hữu cơ. Nghĩa là không phải tốn chi phí và công sức cho việc phun thuốc và rải phân đạm như truyền thống lâu nay vẫn làm. Nghe vậy bà con ai cũng vui vẻ hồ hỡi cho mướn ruộng ngay, vừa có lợi ích kinh tế vừa học được phương pháp gieo trồng mới.
Việc tiếp theo, các chuyên gia phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền địa huyện Yên Khánh sưu tầm xác một giống lúa bản địa nào đó càng cũ càng tốt. Ông Đinh Văn Vọng, kỹ sư nông nghiệp, nguyên Phó Chủ tịch huyện Yên Khánh cho hay: “Giống gốc mà chúng tôi đưa về là một loại giống ngày xưa, chưa có trong danh mục hệ thống giống quốc gia. Giống này rất lâu đời rồi, có lẽ nó có ở thời phong kiến, được trồng trên đồng đất Đồng bằng Bắc bộ cách đây hàng trăm năm để tiến cung, nên dân gian đặt tên lúa “Tiến Vua”. Muốn làm hữu cơ thì tất nhiên đất phải sạch, nước phải sạch, cách nào làm sạch đất, sạch nước thì nhóm chuyên gia có phương pháp làm sạch riêng, cũng hoàn toàn bằng năng lượng…” Ông Vọng nói thêm, trong mắt sáng lên niềm tin vào điều mà tôi vẫn còn hoang mang: “giống lúa “Tiến Vua” cổ đem về liền được các chuyên gia “thổi hồn” vào và gia cố năng lượng cho nó trước khi xuống đồng.” Tôi hỏi thổi hồn như thế nào, anh có thể nõi rõ hơn không? - “Các chuyên gia bảo khi nào đủ duyên mọi thứ sẽ được công bố, bây giờ họ chứng minh bằng thực nghiệm trước, với lại người ta cũng đang thí nghiệm trên nhiều giống cây trồng khác”.
Vụ Xuân đầu tiên, cây lúa sinh trưởng và phát triển lớn mạnh kỳ lạ, có hương thơm ngào ngạt khắp cả cánh đồng, năng suất vụ đó đạt 2,5 tạ khô/sào bắc bộ. Lão nông Nguyễn Văn An đứng trước đám ruộng nhà mình cười sung sướng kể: “Mới lần đầu tiên làm hữu cơ cho nên rất bỡ ngỡ, chủ yếu bằng phân hữu cơ chứ đạm cũng không luôn, có nghĩa là sạch tinh đấy, chương trình hữu cơ 100 %. Ưu điểm của nó là giống khỏe đẻ tốt, chống chịu sâu bệnh. Vui lắm. Mà hay lắm nhé, mỗi sáng và chiều tà, mấy ông bà nông dân chúng tôi đi làm đồng, trên đường trở về đều dừng lại mấy đám ruộng này hít hà mùi thơm, nó có mùi thơm đặc trưng lắm không tả được”. Tôi chưa kịp hỏi gì thì ông Phạm Ngọc Duân- Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đứng bên cạnh đầy tâm đắc tiếp lời “Bác An nói đúng đấy chị, cây lúa này có khả năng kháng sâu bệnh rất tốt, vì có bộ lá rất cứng, đứng, không có sâu cuốn lá nào cuốn được, khả năng quang hợp tốt, bệnh khô vằn trên lá cũng hầu như không có, giảm hoàn toàn chi phí thuốc bảo vệ thực. Năng suất lúa tăng 15-20%, nhưng chi phí đầu tư lại giảm 50 % so với thông thường. Chị nhìn đám lúa này với các ruộng xung quanh là thấy rõ sự khác biệt, dù chúng tương đương về thời gian cấy, thời gian thu hoạch. Ruộng lúa truyền thống thì mặc nhiên phải sử dụng phân hóa học và mỗi vụ phun thuốc 3-4 lần tùy theo tình hình sâu bệnh đồng ruộng.”
Comments