Tạo ra một giống lúa mới mà không phải qua chọn lọc và lai tạo giống, chỉ bằng phương pháp gia cố năng lượng trên xác giống lúa cũ đã thất truyền. Đó là điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Đặc biệt, giống lúa mới này lại cho năng suất cao, đạt đến 3tạ khô/ sào (Bắc bộ) – vượt qua các loại lúa cao sản địa phương đang trồng đại trà (2,5 tạ/sào). Và đặc biệt hơn nữa là cây lúa có kiểu hình mới lạ, không sâu bệnh, chịu được hạn, mặn, chịu được thời tiết khắc nghiệt, được gieo trồng phát triển tự nhiên, hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Đó là những gì được một nhóm các nông dân, kỹ thuật viên Côn Sơn-Hải Dương, và Khánh Trung – Ninh Bình thử nghiệm và phát triển thành công trong gần 3 năm qua trên nhiều đồng đất Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội.
Tôi theo chân những “chuyên gia giấu mặt” từ những ngày đầu, khi họ đi tìm thuê đất trồng cây lúa trời. Tôi gọi “chuyên gia giấu mặt” là bởi họ chưa muốn tiết lộ danh tính, vì ngoài cây lúa đã thành công, họ còn đang thử nghiệm dở dang trên nhiều giống cây trồng khác, cùng với mục tiêu cao cả là giúp cho bà con nông dân làm ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao, sản lượng lớn, đồng thời giúp tái tạo, hồi sinh những vùng đất khó dọc theo chiều dài đất nước.
“Cây lúa trời” mà tôi sắp kể ở đây không phải là cây lúa ma, lúa hoang bản địa mọc tự nhiên từng chòm nhỏ, sống hồn nhiên ven theo các ao đìa, đồng bãi và cả rừng ngập mặn mà nhiều người đã biết. Cũng không phải là cây lúa rẫy của đồng bào vùng cao được tỉa trồng trên đất rẫy, sinh trưởng và phát triển dựa vào nước trời.
Lúa rẫy thì cho năng suất thấp, manh mún nhỏ lẻ, không đủ cho bà con vùng cao sinh sống chờ đến ngày giáp hạt, vì từ lúc tỉa hạt cho đến ngày thu hoạch kéo dài hơn 6 tháng. Diện tích cây lúa rẫy cũng đang dần thu hẹp do người dân chuyển đổi dần sang trồng cà phê, tiêu và các loại cây lâm nghiệp khác để có lợi ích kinh tế hơn. Cây lúa ma (lúa trời) cũng chỉ chín có một lần trong năm. Mỗi bông lúa ma thưa hạt, mỗi lần chín, chúng chỉ chín vài ba hạt chứ không rộ cả bông. Từ lúc vào hạt đến chín khoảng 10 ngày, trong 10 ngày ấy nếu muốn thu hoạch lúa trời thì phải tranh thủ vào ban đêm, vì mặt trời lên là lúa chín sẽ tự rụng. Thu hoạch lúa ma đếm từng bông, từng lít chứ không được nhiều.
Còn cây “lúa trời” ở đây, “nhóm chuyên gia giấu mặt” bảo là mới được đem từ trời xuống. Thấy tôi ngẩn ngơ, họ mỉm cười nói bạn tin hay không thì tùy nhưng chúng tôi sẽ chứng minh bằng thực tế thôi. “Giống lúa đem từ trời xuống” nghe có vẻ hoang đường kỳ bí nhưng chợt nghĩ nhân loại vẫn còn vạn điều chưa khoa học nào lý giải nổi cơ mà.
Chẳng hạn như giống lúa ma, đứa con hoang của tự nhiên mà tôi vừa nói trên, hiện tại các nhà khoa học hàng đầu về lúa ma trên thế giới vẫn đang miệt mài giải mã bí ẩn của 26 loài lúa ma hoang dại. Nó từ đâu đến mà có sức sống kỳ diệu, đã tồn tại hàng triệu năm và sẽ không bao giờ chết, bất kể ở trong môi trường khô hạn, ngập lụt, phèn mặn và sâu bệnh. Có điều ở VN, cây lúa ma đang dần mất đi do môi trường sống hoang dã của nó đang bị con người xâm thực.
Tôi hỏi “ giống lúa này đem từ trên trời xuống thật ư, đem bằng cách nào, hay các anh hàm ý là nhờ trời thương khiến các anh nghiên cứu ra một phương pháp kỹ thuật mới chưa từng có chăng?”. Các chuyên gia cười bí ẩn “ đem xuống bằng cách nào thì bây giờ chưa tiết lộ được đâu, vì không phải ai cũng dễ dàng hiểu và chấp nhận những điều họ không nhìn thấy bằng mắt thường. Bạn hiểu thế nào cũng được, miễn phương pháp này đem lại kết quả tốt là được chứ gì (cười).” Với vẻ hoang đường huyền bí, hư hư thực thực ấy mà tôi theo đuổi câu chuyện và theo chân các “chuyên gia giấu mặt” đến hôm nay.
Comments