Một lần trò chuyện với anh bạn đang suy nghĩ ngày đêm, loay hoay tìm phương kế sinh nhai mới, tôi nói sao không quay về với sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ thuần túy như nhiều vùng đang làm hiện nay ? Anh hỏi- bằng cách nào ? Tôi đã kết nối anh với các chuyên gia hỗ trợ anh làm nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ. Một trong những vị ấy, nhiều người yêu mến gọi là Thầy, đã tiên phong, đi khắp đồng đất của đất nước để giúp cho nhiều nông dân các địa phương làm lúa, chè, khoai, cà phê sạch, không dùng thuốc và phân hóa học, nhưng chất lượng và năng suất vượt trội so với giống nguyên chủng.
Rời Yên Khánh- Ninh Bình, chúng tôi đến thăm 7 sào lúa Tám Xoan vừa mới được phục hồi sau 50 năm thất truyền của bà Lê Thị Sợi ở thôn Hạ Muồn Cao, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là giống lúa Tiến Vua thơm ngon nức tiếng xưa, nhưng lâu rồi không ai còn trồng nữa. Bà Sợi phải mất 2 năm lùng sục mới mua được ít lúa giống của một gia đình ở Hải Hậu- Nam Định. Bà Kiều Thị Chuyên, cán bộ phụ nữ thôn khoe: công bà Sợi lớn lắm đó, đã trồng thí điểm lúa sạch 2 năm nay, giờ bà ấy còn đưa thêm giống Tám Xoan về khôi phục giúp địa phương nữa, quý lắm. Cô năm nay gần 70 tuổi, nhớ hồi cha mẹ trồng lúa Tám Xoan là khoảng 14 tuổi. Gạo Tám Xoan thơm ngon nhưng năng suất nó thấp; 6 tháng mới có ăn, vùng này chiêm trũng, năm nào có lụt nước không tiêu kịp thì coi như năm đó mất mùa. Bà Sợi mà thành công, Tám Xoan cho năng suất, chất lượng cao, thu ngắn ngày lại nữa thì nông dân ở đây họ trồng theo. Bà Sợi cười chen vào: nhờ có chuyên gia ở Côn Sơn- Hải Dương hỗ trợ tôi mới dám làm bà ạ. Tôi mong khôi phục lại giống lúa đặc sản của quê hương, vì bây giờ, nhu cầu của bà con mình là ăn ngon mặc đẹp, khác với xã hội trước đây rồi. Bà Chuyên tiếp lời: "Tôi thấy nó khác lạ lắm. Ngày xưa một khóm khoảng 10 nhánh. Bây giờ nó phát triển đến 20-30 nhánh, cứng cáp to khỏe... Nhìn vào chân ruộng bà Chuyên nói thêm: Đặc biệt trong này là bà Sợi còn thả nuôi thêm tôm, cua, cá. Ruộng của tôi bên kia, xịt thuốc tưng bừng cá nó nhảy ngược lên trợn mắt, thấy cũng thương đấy nhưng biết làm thế nào. Tôi nói, do ốc bươu vàng nó phá lúa, nên tao phun chứ không phải tao muốn hại mày. Bây giờ ruộng bà Sợi cá ốc tôm cua sống vô tư, làm cô nhớ ngày nhỏ, đi làm cỏ cũng có cá ăn, lúc gặt thì cá nhiều lắm... Vậy là sau 50 năm vắng bóng, lần đầu tiên giống lúa Tám Xoan lại được hồi sinh ngay trên cánh đồng chiêm trũng, chua phèn.
Ngày gặt lúa Tám Xoan, chúng tôi trở lại Lý Nhân, nhìn thấy trên trời chim chóc lũ lượt bay về tìm thức ăn, dưới mặt đất thì châu chấu cào cào nhảy tưng bừng. Thợ gặt và bà con đuổi bắt chuột và châu chấu cào cào tạo cảnh tượng vui nhộn. Cân bằng sinh thái là đây, cả cho người và muôn loài. Chị Phạm Thị Gái, đang trải phơi lúa mới gặt góp chuyện. Chị kể, vợ chồng chị lo quán xuyến hết mọi việc nông tang mùa màng cho bà Sợi chứ bà trên 70 tuổi rồi không kham nổi. Bà Sợi chỉ việc lo đầu tư giống má, công cán và cái chính là kết nối với các chuyên gia ở Côn Sơn giúp hỗ trợ phương pháp gieo trồng theo phương thức “lúa trời”. Tôi hỏi lúc ban đầu chị có tin không. Chị thành thật nói: Lúc đầu mình cũng không tin đâu, làm thử một mẫu thôi. Dân ở đây họ cứ xì xào không phun thuốc thì có mà ăn cỏ, mình cũng hoang mang. Người ta phun đủ thứ, có người phun thuốc trước gặt 10 ngày cho hạt lúa sáng đẹp nữa kia. Nhưng nghĩ thôi kệ mình cứ làm thử. Đến lúc đạt sản lượng, vụ Chiêm vừa rồi sản lượng mình cao nhất, họ bảo nhà chị can đảm thế... Lại nghe râm ran xì xào nhà này phun gì mà lúa đẹp quá. Có người còn nói hay bà Gái đi phun trộm ? Phun bình thuốc đâu đơn giản mà trộm nhỉ, một mẫu phải mất hai công phun mới hết, mà mình đến 7 mẫu, giấu vào đâu được.
Quay lại câu chuyện với anh bạn, Thầy tôi thường nói: "Tôi không sáng tạo ra gì cả mà chỉ giúp cây lúa quay về thời khởi thủy của nó. Trong suốt quá trình phát triển, con người đã làm sai, khiến nó thoái hóa. Cây lúa của tôi như một chàng thanh niên mới lớn 15 -16 tuổi, còn cây lúa hiện nay trên trái đất giống ông già 90. Lúa này tôi mang trên trời xuống đấy, tin hay không thì tùy, tôi chỉ muốn chứng minh nó bằng kết quả". Và các lĩnh vực khác cũng vậy. cây lúa được thì các lĩnh vực khác không có nghĩa là không. Tôi muốn giúp cho sự thay đổi diễn ra cực kỳ nhanh chóng để cứu vãn tình hình hiện nay, chúng ta mới trở lại cân bằng và phát triển bền vững được... Cây lúa được thì các lĩnh vực khác không có nghĩa là không”. Quả vậy ! Ngoài “lúa trời” đã được trồng thử nghiệm thành công ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Nam... tôi còn chứng kiến các chuyên gia ở Côn Sơn giúp nông dân ở Quảng Nam trồng khoai có hàm lượng saponin, Thái Nguyên trồng chè sạch, Sơn La với cà phê chất lượng, sản lượng đến 35 tấn/ha- cao nhất từ trước đến nay.
Comments